Chopper, 3 tuổi, cùng cô chủ đã trekking 7 đỉnh núi phía bắc trong 2 năm, luôn phấn khích trong mỗi chuyến đi.
Chopper, thuộc giống chó Shiba của Nhật, năm nay gần 3 tuổi, nặng 10 kg, được cô chủ ưu ái gọi là “chú chó có thành tích leo núi nhiều nhất Việt Nam”.
Nguyễn Thị Hà Mai, 36 tuổi, chủ của Chopper, cho biết cô bắt đầu cho chó đi leo núi từ năm 2022, khi thấy thú cưng đã đủ cứng cáp.
Mai thích leo núi. Trước đó, mỗi lần đi cô phải mang Chopper đi gửi. Vài lần vắng chủ nhiều ngày, Mai thấy chó có biểu hiện bị stress hoặc lây bệnh từ các bạn chó mèo khác. Khi Chopper đủ thể lực, cô quyết định cho đi cùng với mong muốn chó được sống vui vẻ, tự do, có nhiều trải nghiệm trong cuộc đời.
Chopper cùng chủ leo đỉnh Nam Kang Ho Tao, Lào Cai vào tháng 4/2023.
Theo Mai, Chopper còn nghiện leo núi hơn bản thân cô. Mỗi lần thấy chủ soạn balo, Chopper thường chạy nhảy rất phấn khích. Mỗi khi chinh phục được các đỉnh núi, Chopper thường ngồi xuống “gãi phành phạch với vẻ mặt cười tươi đắc ý”, cô chủ nói.
Chú chó thích khám phá tất cả mọi thứ và đánh dấu trên đường đi nên lúc về thường dẫn đường cho mọi người rất tốt. Mai nói đi theo Chopper không sợ bị lạc đường. Cô từng với bạn hai lần không nghe hướng Chopper chỉ dẫn và bị lạc phải quay về điểm cũ. Chopper cũng vui vẻ chụp hình với nhiều người gặp trên đường đi nên ai cũng yêu thích.
Chopper lúc leo cung Sinh Tcha Pao vào tháng 4/2024.
Chú chó khám phá đỉnh Đỗ Quyên, Lai Châu cao 2.619 m cùng cô chủ vào tháng 3/2024.
Lai Châu cũng là nơi Mai cùng Chopper có kỷ niệm đáng nhớ khi leo đỉnh Putaleng cao 3.049 m hồi tháng 3. Cả hai đã đi trong bóng tối dưới ánh trăng với mong muốn lên đỉnh ngắm bình minh.
Mai và bạn đồng hành xuất phát từ 4h sáng lúc trời còn tối như mực, giữa rừng tre trúc chỉ có tiếng gió và lá cây xào xạc với nỗi sợ ma. “Nếu không có Chopper, chắc chắn tôi sẽ không dám đi”, cô nói.
Chopper check in cùng hoa đỗ quyên trên đỉnh núi.
Chú chó được cô chủ nuôi thả, cho ra ngoài chạy thể dục ngày hai lần nên khoẻ và có sức bền. Chopper còn được dạy tính độc lập từ nhỏ nên luôn ngoan ngoãn trong các chuyến leo núi cùng chủ.
Tại đỉnh Nam Kang Ho Tao cao 2.881 m thuộc tỉnh Lai Châu, Mai quyết định cùng chú chó tăng độ khó bằng cách đi hai ngày một đêm thay vì ba ngày hai đêm. Vì thế, cả hai đều nỗ lực so với các cung đường khác để hoàn thành chuyến đi an toàn.
Mai cho biết, đây cũng là cung đường có hệ sinh thái phong phú, đẹp nhất trong các đỉnh núi cô đã đi.
Nhớ về ngày đầu làm quen, Mai cho biết cô tìm thấy Chopper trong một trại chó Shiba tại Hà Nội. Khi ấy, Chopper là con ở cuối đàn, gần 3 tháng tuổi, gầy, xấu, có mắt buồn nên cô cũng không thích và “tia” một con khác ú nu, mặt tươi hơn. Thế nhưng, khi chủ trại mở cửa tất cả lồng, Chopper là con duy nhất chạy lại.
Từ giây phút đó, cô quyết định rước Chopper về nhà.
Chopper chụp cạnh thác trong rừng nguyên sinh Putaleng hồi tháng 3.
Theo Mai, nếu chú chó mà bạn nuôi không phải là chú chó vận động, cần cho chó luyện tập như người để tham gia leo núi. Vì cơ phải được vận động thường xuyên thì khi leo núi mới không bị quá tải dẫn đến đau, mệt không đi nổi.
Đến nay, Chopper đã trekking thành công 7 đỉnh núi có độ khó leo từ 6/10 gồm Tim Nà Nọi 2.800 m; Sinh Tcha Pao 2.715 m; Nam Kang Ho Tao 2.881 m; Pusilung 3.083 m; Putaleng 3.049 m; Samu 2.756m; đỉnh Đỗ Quyên 2.619 m.
Cô chủ mong muốn Chopper sẽ thấy vui qua những chuyến đi.
“Hãy cho cún tập chạy thể dục vài vòng hồ một thời gian trước khi bắt đầu chuyến đi. Ngoài ra, bạn phải xem chú chó của mình có thích hoạt động này không vì không phải chú chó nào cũng thích leo núi”, cô nói.
An Vy
Ảnh: Hà Mai
Cảm ơn bạn đã xem nội dung trên trang Blog này.